Điều tồi tệ nhất của bảo hộ là xoá bỏ nó


Có lẽ, bài học đối với Trung Quốc là họ nên từ bỏ ý tưởng nuôi dưỡng những “nhà vô địch” quốc gia và thay vào đó nên khuyến khích sự cạnh tranh thực sự ở trong nước.

Thuế quan bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ

Lý luận về “ngành công nghiệp non trẻ” đã tương đối nổi tiếng. Có lẽ Alexander Hamilton là người đầu tiên sử dụng cụm từ này, và lý do đằng sau tư duy của ông rất rõ ràng. Ngành chế tạo Mỹ không thể cạnh tranh với một quốc gia vượt trội hơn họ nhiều mặt là Anh, và theo các lý thuyết thịnh hành khi đó (và cả bây giờ) dựa trên chủ thuyết của Adam Smith và David Ricardo, thì chính sách thương mại có ý nghĩa rất quan trọng. Mỹ nên tập trung vào những ngành mà họ có thể làm tốt hơn ANh về mặt kinh tế – chủ yếu là nông nghiệp, và chính sách kinh tế nên bao gồm việc biến ngành nông nghiệp- thuốc lá, gạo, đường, lúa mì, và quan trọng nhất là cotton – Mỹ trở thành thứ hái ra tiền, tối đa hóa sản xuất và trao đổi chúng lấy những sản phẩm chế tạo rẻ hơn và ưu việt hơn từ Anh.

Theo hướng đi này, Ricardo đã xuất sắc chứng minh, với giả định rằng các lợi thế tương đối được phân phối tĩnh, mỗi quốc gia chuyên môn hóa lợi thế tương đối của mình, thì sản xuất toàn cầu sẽ đạt tối đa và thông qua thương mại mà cả Anh và Mỹ sẽ đều trở nên thịnh vượng. Trong khi đa số các nhà kinh tế học Mỹ và khu vực sản xuất hàng hóa phía Nam nhiệt tình ủng hộ thương mại tự do, Alexander Hamilton và những người đồng quan điểm với ông sau này (chủ yếu ở phía đông bắc) lại không nghĩ như vậy (thực tế quan điểm khác biệt về tự do thương mại cũng như quyền của nô lệ và nhà nước là tâm điểm trong cuộc xung đột Bắc – Nam mà cuối cùng đã dẫn tới nội chiến).

Ảnh minh họa

Hamilton tin rằng Mỹ cần phải phát triển nền tảng sản xuất của riêng mình, bởi vì, như ông giải thích trong báo cáo Quốc hội năm 1791, tăng trưởng năng suất trong ngành chế tạo có thể cao hơn so với ngành nông nghiệp và khai khoáng. Nói cách khác, đối lập với David Ricardo, Hamilton tin tưởng lợi thế so sánh không đứng yên và có thể được thay đổi theo cách có lợi cho những nước kém năng suất hơn. Hơn nữa, ông nghĩ chế tạo có thể thuê được đa dạng người lao động hơn và không phụ thuộc vào những biến động theo mùa của thời tiết, hay \những biến động về khả năng tiếp cận nguồn khoáng sản.

Rõ ràng hiệu quả và năng xuất của Anh cao hơn nhiều, điều này đã khiến cho giá cả hàng hóa của họ rẻ hơn nhiều dù với chi phí vận chuyển cao đến Mỹ, vậy Mỹ nên làm thế nào để có thể cạnh tranh? Mỹ có thể làm theo cách giống như Anh đã làm để cạnh tranh với quốc gia “tiền bối” Hà Lan trước đó một thế kỷ. Mỹ phải áp thuế quan và các biện pháp khác để làm tăng chi phí của các nhà sản xuất nước ngoài đủ để cho phép các công ty trong nước bán hàng với giá thấp hơn tại thị trường Mỹ. Chưa hết, Mỹ phải tiếp thu càng nhiều càng tốt các kiến thức và năng lực công nghệ từ Anh (điều thường xảy ra dưới hình thức đánh cắp các tài sản sở hữu trí tuệ).

Đó là điều Mỹ đã làm, và trên thực tế có lẽ mọi quốc gia đã hoàn thành quá trình chuyển dịch từ kém phát triển lên phát triển (với một số trường hợp ngoại lệ của một hay hai trung tâm thương mại như Singapore và Hồng Kông, mặc dù điều này vẫn còn tranh cãi), bao gồm Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, từng làm như vậy dưới hình thức thuế quan và đánh cắp tài sản trí tuệ công khai hoặc kín đáo. Ý tưởng cho rằng các các quốc gia trở nên giàu có nhờ các điều kiện tự do thương mại không được lịch sử hỗ trợ, và thường thì các nước giàu chỉ nhận ra lợi ích của thương mại tự do chỉ sau khi họ đã trở nên sung túc, trong khi các quốc gia nghèo hơn theo đuổi thương mại tự do quá hào hứng (như Colombia và Chile hồi cuối thế kỷ 19, đều là những nước tiếp thu nhiệt tình các học thuyết kinh tế chính thống) gần như chưa bao giờ trở nên giàu có, trừ khi, như Haiti trong thế kỷ 18 hay Kuwait ngày nay, họ là những nhà xuất khẩu lớn các hàng hóa rất giá trị (đường, trong trường hợp của Haiti, quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người lớn nhất trong gần như suốt nửa cuối thế kỷ 18).

Nhưng thay vì chỉ theo đuổi bảo hộ, tôi nghĩ nên bổ sung thêm một cảnh báo rất quan trọng. Không ít quốc gia đã chủ trương bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ, và thường duy trì chính sách này trong suốt nhiều thập niên, nhưng rất ít trường hợp vươn lên được tầm quốc gia phát triển. Việc tìm hiểu tại sao bảo hộ lại phát huy tác dụng trong một số trường hợp, nhưng lại không thích hợp trong một số trường hợp khác sẽ có ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc cũng như các quốc gia đang thực hiện chính sách ấy. Tuy khó có thể đưa ra câu trả lời hoàn hảo nhưng tôi cho rằng rằng sự khác biệt chính của các quốc gia đạt được tăng trưởng năng suất nhanh như vậy sau sự bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ là họ cuối cùng đã có thể tự cạnh tranh, trong khi các nước thất bại gặp phải rắc rối với vấn đề cơ chế cạnh tranh trong nước.

Đặc biệt, việc chỉ bảo vệ ngành nào đó khỏi sự cạnh tranh từ bên ngoài là chưa đủ. Vẫn cần phải có sự khuyến khích đổi mới ở trong nước, một sự sự cạnh tranh dẫn tới tiến bộ trong năng suất và hoạt động tổ chức quản lý. Ví dụ, những nước bảo hộ ngành công nghiệp trong nước nhưng lại để cho thị trường nội địa bị thao túng và chi phối bởi những nhà độc quyền thì gần như rất khó có khả năng phát triển theo cách của Mỹ hồi thế kỷ 19.

Tôi nghĩ cho rằng các công ty nhận được những khoản trợ cấp hậu hĩnh từ nhà nước cũng không thể phát triển theo cách họ được trông đợi bởi thay vì yêu cầu ban giám đốc cải thiện hiệu quả kinh tế như một cách vượt qua các đối thủ trong nước, ở những quốc gia này lại có một sự khuyến khích gián tiếp các nhà quản lý tranh giành để nhận được nhiều trợ cấp hơn. Tại sao phải cải tiến khi những khoản trợ cấp đó còn béo bở hơn, đặc biệt khi các công ty được chăm bẵm đó có thể dễ ràng gạt các công ty có khả năng đổi mới ra khỏi thị trường? Ví dụ, tháng 4 năm ngoái, tôi đã viết về kế hoạch đầu tư 4,7 tỷ USD vào ngành sản xuất thịt lợn của Wuhan Iron & Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ tư tại Trung Quốc.

Ban giám đốc công ty này quả quyết họ có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp không phải vì các nhà sản xuất thép thường hiệu quả hơn các nhà nông dân, mà thay vào đó là bởi quy mô và sức mạnh của họ khiến họ dễ tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp và dễ nhận được sự chấp thuận của chính phủ.  Nói cách khác, họ có thể đầu tư vào một ngành mà hiệu chưa hề nắm rõ bởi vì họ biết họ có thể khai thác đặc lợi kinh tế. Đây rõ ràng khó có thể coi là cách sử dụng bảo hộ một cách có hiệu quả.

Có lẽ, bài học đối với Trung Quốc là họ nên từ bỏ ý tưởng nuôi dưỡng những “nhà vô địch” quốc gia và thay vào đó nên khuyến khích sự cạnh tranh thực sự ở trong nước. Bắc Kinh cũng nên xóa bỏ trợ cấp sản xuất, mà quan trọng nhất là hình thức tín dụng lãi suất thấp và không giới hạn, bởi vì nhiều giám đốc cấp cao của các công ty Trung Quốc đã bỏ quá nhiều thời gian để cố gắng tìm kiếm những khoản trợ cấp này hơn là tìm tòi đổi mới, một khía cạnh mà mặc dù đã có sự phóng đại đến mức gần như vô lý trong thời gian gần đây Trung Quốc lại làm rất kém.

Việc bảo vệ công nghiệp trong nước không có gì sai, nhưng điểm quan trọng là phải tạo dựng được một cơ chế khuyến khích để góp phần nâng cao hiệu quả sau những hàng rào bảo hộ. Dĩ nhiên, khó khăn ở đây là hàng rào thương mại và các hình thức trợ cấp và bảo hộ khác có thể trở nên rất dễ bị áp dụng quá đà, và người hưởng lợi, đặc biệt khi họ là các công ty độc quyền quốc gia, có thể trở nên hết sức quyền lực về chính trị. Trong trường hợp đó, họ có thể tích cực hoạt động vừa để duy trì bảo hộ và vừa hạn chế cạnh tranh trong nước, thứ vốn là yếu tố quan trọng giúp cải thiện hiệu quả. Chính Phridrich Ăngghen, chứ không phải những nhà tư bản chủ nghĩa, cũng từng viết thư cho Edward Bernstein năm 1881, nói rằng “điều tồi tệ nhất của bảo hộ là một khi anh áp dụng nó, anh sẽ rất khó xóa bỏ nó”.

Còn tiếp

 Source  Tuanvietnam.net

Bình luận về bài viết này